Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Ngành giày da nam Việt Nam làm gì để vượt khó?

Lợi thế từ việc "kéo dài thời gian"
Trong nhiều trường hợp kiện cáo, "hoãn binh", và kéo dài thời gian là hết sức cần thiết. Ngành giày  da Việt Nam bị EU kiện tụng chống bán phá giá cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Từ tình hình thực tế hiện nay, nếu thời gian vụ kiện được kéo dài đến hết năm 2006, sẽ có lợi với Việt Nam hơn là việc kết thúc một cách nhanh chóng, bất ngờ.

Thứ nhất, việc có thời gian cần thiết sẽ giúp Việt Nam được xem xét một cách khách quan công bằng, tránh ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động Việt Nam, cũng như người tiêu dùng ở EU. Theo luật pháp EU bất cứ mặt hàng ngoại nhập nào có nguy cơ chiếm tới 3% thị phần trở lên là có căn cứ khởi kiện. Ðiều nguy hiểm là quy định này cho phép cộng gộp thị phần của tất cả các nước cùng xuất khẩu mặt hàng đó vào một thị trường. Vì trên thực tế có khi giày da nam Việt Nam xuất khẩu chưa đủ đe dọa nền sản xuất của thị trường nhập khẩu nhưng cũng bị cộng gộp với các nước xuất khẩu khác để "chặn trước" hành vi lẩn thuế chống bán phá giá.
Thứ hai, việc thuyết phục EU kéo dài vụ kiện đến cuối năm 2006 sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian xoay chuyển tình thế. Bởi thực tế khi áp thuế với da giầy Việt Nam, EU cũng chịu áp lực rất lớn từ các tổ chức như Hiệp hội tiêu dùng, những nhà nhập khẩu ở thị trường này, những công ty đa quốc gia có lợi ích tại Việt Nam như Adidas, Nike... Trong trường hợp không thuyết phục được EU, chúng ta sẽ cố gắng thương lượng để có mức thuế tối đa thấp nhất.
Thứ ba, thời gian là cần thiết cho các doanh nghiệp. Chính sách chống bán phá giá của EU rất lợi hại và "hay thiên vị đội nhà". Vì thế, dù bất lợi nhưng các doanh nghiệp bị kiện vẫn phải theo kiện đến cùng và tuân thủ đúng quá trình điều tra. Lý do đơn giản là khi đó cơ quan điều tra sẽ buộc phải dùng các con số của phía nguyên đơn, mà trong nhiều trường hợp thì những con số này thường bị thổi phồng. Mặt khác, các bị đơn phải thuyết phục các cơ quan điều tra là họ thật sự không gây tổn hại hoặc gây tổn hại nhỏ đối với các nhà sản xuất sở tại, có như vậy mới được bỏ áp thuế, hoặc áp thuế thấp. Vì vậy, các doanh nghiệp giày nam Việt Nam nên chủ động lập trước kế hoạch. Ðồng thời, cần liên kết chặt chẽ với các công ty nhập khẩu và môi giới tiêu dùng ở thị trường nước nguyên đơn, bởi khi đó họ là đồng minh tất yếu với bên bị kiện. Có như vậy mới giảm được nguy cơ thiệt hại. Những điều này cần phải có thời gian.
Nhanh chóng chuyển đổi và đa dạng hóa thị trường
Nếu Việt Nam thuyết phục được EU kéo dài thời gian áp thuế thì các doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể thay đổi được thị trường xuất khẩu, tránh  phụ thuộc quá nhiều vào EU. Thống kê cho thấy, sau khi EU khởi kiện, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam vào EU có giảm sút, trong khi thị trường Mỹ đã bắt đầu tăng lên và khả năng Mỹ sẽ là thị trường nhập khẩu da giày của Việt Nam thay thế EU. Hết quý I năm 2006 cho thấy: xuất khẩu da giày Việt Nam vào EU giảm từ 60% xuống còn 57% so với cùng kỳ 2005 và tốc độ tăng chỉ còn 12%. Trái lại, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng đến 75% và vươn lên chiếm 21% về tỷ trọng.
Hiện nay, thị trường Mỹ đã chiếm khoảng trên 20% cơ cấu xuất khẩu của ngành giày dép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường này, nên còn nhiều cơ hội để mở rộng thị trường. Dự báo trong hai năm tới, ngành da giày sẽ vẫn gặp khó khăn, bởi không thể chuyển đổi thị trường nhanh chóng được. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu da giày hằng năm vào Mỹ dao động khoảng 3 tỷ USD. Nếu như các doanh nghiệp chuyển đổi tốt thì con số này còn quá nhỏ bé và khiêm tốn so với thị trường Mỹ.
Bên cạnh chuyển đổi thì đa dạng hóa thị trường cũng hết sức cần thiết. Các chuyên gia về thị trường cho rằng, sở dĩ Việt Nam bị nhiều vụ kiện, trước hết bởi tốc độ tăng trưởng quá nóng của một số mặt hàng xuất khẩu chỉ tập trung vào một thị trường, gây ra cảm giác lo ngại cho các nhà sản xuất ở thị trường sở tại. Ngoài thị trường Mỹ thì Nhật Bản cũng được xem là một thị trường tiềm năng. Tuy nhiên việc xuất khẩu giày dép Việt Nam sang Nhật Bản hiện nay chỉ tăng 13% và con số hầu như không thay đổi.
Chọn một phân khúc thị trường hợp lý
Cái khó của các doanh nghiệp giày Việt Nam là ở chỗ: Nếu tham gia thị trường giày dép với sản phẩm chất lượng cao cấp thì không cạnh tranh được với sản phẩm của các quốc gia như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Ðức. Còn nếu chọn sản phẩm cấp thấp, có chất lượng trung bình thì lại không cạnh tranh được với sản phẩm sản xuất hàng loạt của Trung Quốc. Cái khó này buộc các doanh nghiệp giày Việt Nam thời gian qua phải chọn hướng đi là làm gia công cho các đối tác từ EU mà chưa có nhiều sản phẩm giày trực tiếp vào thị trường này.
Vì vậy, bên cạnh xuất khẩu trực tiếp để tăng kim ngạch xuất khẩu giày da Việt Nam sang Mỹ trong năm 2006, các doanh nghiệp cũng cần phải biết chọn cho mình một phân khúc thị trường hợp lý. Việc chọn phân khúc thị trường là để tránh đối đầu với những hàng sản xuất ồ ạt của Trung Quốc, tránh cạnh tranh với những sản phẩm có chất lượng cao của các nước châu Âu. Phân khúc thị trường Việt Nam được xem là hiệu quả nhất và tránh được các đối thủ kể trên là những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng phải mang tính độc đáo, có phong cách và kiểu dáng riêng biệt. Cụ thể đó là những sản phẩm công nghệ cao kết hợp với những chi tiết phức tạp nhờ vào trình độ thủ công. Ngoài ra khâu mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm cũng hết sức quan trọng, các doanh nghiệp nên lưu ý đến hệ thống phân phối và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm da của các bạn hàng mới, đặc biệt là Mỹ và Nhật.
Cuối cùng để tăng kim ngạch xuất khẩu giày vào các thị trường ngoài EU thì khâu tìm hiểu và thăm dò thị trường là không thể thiếu. Cách tốt nhất là các doanh nghiệp tham dự các hội chợ giày dép, qua đó để thị trường biết được sản phẩm của mình và mình cũng có thể nhận biết thị hiếu chung của từng nước cụ thể, qua đó cải tiến chất lượng, mẫu mã, công nghệ. Trong một hội chợ triển lãm có hàng trăm ngàn đôi giày, chỉ cần vài đôi có kiểu dáng độc đáo là có thể thu hút sự chú ý của các nhà thu mua hàng của các hãng nhập khẩu lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét