Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

“Phố Hàng Giày” bên bờ sông Nhuệ

Có người nói về "Phố Hàng Giày" ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên mua giày dép rẻ lắm. Thậm chí có đôi giày chỉ bằng nửa giá tiền so với các cửa hàng trên phố. Tôi không tin. Cho dù cách Hà Nội 40km, hàng bán theo giá gốc, giá buôn, nhưng cũng không thể quá rẻ như thế. Có người rủ đi, tôi chần chừ sau lại thấy tò mò, biết đâu lại sắm được đôi "hài" xinh xinh cho vợ...
Dập dìu người bán kẻ mua
Mới chớm tới đầu làng, tôi thực sự bất ngờ khi thấy có nhiều cửa hàng giày nam, giày nữ và cả dép đến thế. Những biển hiệu đủ hình dáng lấp loáng trước mặt, chạy dọc hai bên đường làng, san sát như một con phố. Đang ngơ ngác nhìn thì người bạn dừng xe trước ngôi nhà có biển đề: "Giầy da Thạo Hương", bên trong có hàng chục giá bày đủ chủng loại giày dép. Có cái hay là đôi nào cũng được dán tem giá rõ ràng, còn có cả mã vạch nữa. Tôi thấy thích thú vì có nhiều đôi giày da bò khá rẻ, nhưng vẫn mạnh dạn hỏi ông chủ có giảm giá không. Chủ hàng xởi lởi gật đầu nói: "Cũng tùy khách mua nhiều hay ít, vì cả làng này đều bán với giá buôn, nên cũng hết sức linh động". Tôi bắt đầu tin những lời bạn bè nói trước, rồi lục đống hàng. Thật bất ngờ, tôi vớ được một đôi dép da màu vàng, khá đẹp, đề giá 150.000 đồng. Tôi ngắm nghía một lúc, rồi trả thử 100.000 đồng xem sao. Ông chủ mỉm cười lắc đầu. Tôi hỏi dò "thế giá buôn thì sao?". Ông ta nói "mua nhiều thì giảm xuống 120.000 đồng". "Thì trăm hai". Thế là hai bên đã gặp nhau. Tôi hí hửng xỏ luôn đôi dép mới rồi trả tiền.
Anh Diên bên chiếc giày lớn nhất Việt Nam.
Lúc này anh bạn đi cùng hỏi ông chủ "phố làng mà sao vui đến vậy?". Ông chủ rành rẽ nói, con phố này chính là đường làng Giẽ Hạ và Giẽ Thượng, chạy dọc tỉnh lộ 75, kéo dài hơn 1km, ngay bên nhánh sông Nhuệ hợp lưu với sông Châu Giang tận Hà Nam. Nhiều người thường về đây buôn giày mang đi các nơi bán. Ông còn nói một cách tự hào rằng, cả làng đều làm nghề giày da, cấp hàng cho cả 6 tỉnh quanh Hà Nội. Khi tôi hỏi thêm chuyện làng nghề thì ông chỉ đường cho chúng tôi đến trụ sở Hội Giày da xã Phú Yên còn dặn "gặp anh Đức, hay anh Diên là những cán bộ Hội".
Nhà anh Diên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Giày da xã Phú Yên, cũng ở trên phố mới. Cửa hàng của gia đình anh đang có nhiều khách từ xa đến. Chúng tôi vừa vào, anh đã đoán là các nhà báo, chắc là có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với báo chí, nên rất xởi lởi chào hỏi. Anh nói, phố hình thành rất tự nhiên, vì đường làng phần lớn nằm trên con lộ dẫn đi Vân Đình, thế là bày hàng ra bán thôi. Phố rất tiện cho các xe to về lấy hàng. Anh Diên kéo chúng tôi về văn phòng Hội Giày da của xã và nói có những chuyện lạ lắm. 
Niềm tự hào của làng nghề
Khi anh Diên vừa mở cửa, chúng tôi sửng sốt vì nhìn thấy một chiếc giày to đùng. Chiếc giày lớn đến mức, anh Diên bảo tôi nếu thích leo lên nằm vào cũng được. Anh cười rồi nói đây là chiếc giày kỷ lục của xã được "Trung tâm sách kỷ lục quốc gia" chứng nhận là chiếc giày lớn nhất Việt Nam, trong cuộc thi "Tạo mẫu thiết kế giày" với chủ đề "Nhịp bước thời đại", nhân dịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thấy chúng tôi tò mò không hiểu làm chiếc giày này như thế nào, vì nó dài tới 2,7m, rộng 1,2m và cao gần 1,3m. Anh Diên cho chúng tôi biết, chuyện đi tìm tấm da lớn mới khó, vì đây là mẫu cánh bướm phải dùng tấm da liền để làm mũ giày. Việc này tốn nhiều thời gian nhất, bởi ở trong nước không thể có giống bò nào to có tấm da lớn đến vậy. Tốn thì tốn, cả làng hạ quyết tâm đầu tư cho việc đặt mua da bò từ nước ngoài, tận Nam Mỹ. Sau đó tấm da bò được đưa vào TP Hồ Chí Minh để thuộc với công nghệ cao, đạt chất lượng tốt nhất và nhanh nhất. 
Mọi việc đã chuẩn bị, hơn hai mươi tay thợ giỏi nhất làng được tuyển chọn để thi công suốt mấy tháng liền mới xong chiếc giày "khủng" này. Anh nói, những ngày đó cả làng như vào hội và đều tin giày của làng mình sẽ đứng thứ nhất cuộc thi "Nhịp bước thời đại" của thế kỷ XXI. Anh Diên chỉ tấm bằng chứng nhận kỷ lục treo trên tường với nụ cười mãn nguyện. Tôi hỏi ai đã nghĩ ra mẫu giày kỷ lục này, anh Diên bèn dẫn chúng tôi đến gặp nghệ nhân Lê Văn Thịnh, tác giả thiết kế mẫu giày. Anh nói: "Các nhà báo sẽ ngạc nhiên khi đến nhà ông Thịnh vì ở đó còn có một kỷ lục khác, cho dù chưa được công nhận". Chúng tôi càng lấy làm tò mò, thích thú, rảo chân đi theo anh Diên về hướng Cầu Giẽ.
Nghệ nhân Lê Văn Thịnh tuy đã ở tuổi 76 nhưng còn sáng mắt và nhanh nhẹn như tuổi tráng niên vậy. Đón chúng tôi, ông hồn nhiên hỏi: "Có ai biết nghệ sĩ hài Trịnh Mai không?". Tôi nói "có". Ông nói ngay đó là một tay thợ giày giỏi, kể cả nghệ sĩ Trần Hạnh ở sau Ga Hà Nội cũng là thợ giày khéo tay một thời với ông. Hồi còn làm nghề ở Hà Nội, cứ tối đến là các ông lại uống rượu cùng với nhau, rồi thi nhau vẽ mẫu giày vui lắm. Ông Thịnh hồ hởi kể chuyện khi làm chiếc giày kỷ lục, người cháu nội cùng với ông cả đêm cắt mẫu giấy lớn để dán vào tấm da. Từ đó mọi người chỉ việc cắt da theo kích thước đã thiết kế…
Rồi biết bao ký ức của nửa thế kỷ làm nghề của ông trở về. Ông Thịnh sinh ra ở Hải Phòng, thuở thơ ấu, ông đã theo cha lang thang khắp nơi đóng giày. Những bản vẽ mẫu giày của người cha thường hiện lên trong giấc mơ. Từ những mũi khâu chỉ đầu tiên đã dẫn cậu bé Thịnh trong suốt đường đời. Cho đến nay, ông vẫn nhớ lời dạy của cha, làm chiếc giày cũng phải có hồn, có tình, người đi mới thấy "ngọt" bước chân. Đó là nhịp bước của thiên nhiên và nhịp bước bay bổng trong cuộc sống. Làm đôi giày nào cũng như cho chính mình đi, cần chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Ông nói, đó cũng là cái tình của người làm nghề ở trong cái xã được phong anh hùng này. Ông bất ngờ kể với chúng tôi về những trận đánh máy bay giặc Mỹ của quân dân xã Phú Yên để bảo vệ Cầu Giẽ, một huyết mạch quan trọng đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm thông tuyến cho những chuyến xe chở vũ khí vào mặt trận phía Nam. Dường như đến nay, không ai trong làng không biết đến bài ca "Hà Tây quê lụa" ngày ấy, như lời nhắc nhở cho con cháu sau này về những chiến công của các thế hệ cha ông một thời hào hùng, bất tử...
Đúng lúc này cháu nội của ông Thịnh, tên là Hải, vừa đi làm về. Hải mới 25 tuổi nhưng là một tài năng thiết kế và là một tay thợ giỏi trong làng. Hải đã từng đoạt giải nhì cuộc thi quốc tế về thiết kế mẫu giày năm 2009, tại Hồng Kông, Trung Quốc. "Thành tựu đó là niềm vinh dự chung của xã". Anh Diên mỉm cười kể cho chúng tôi biết một điều lạ, bất ngờ nữa từ người thợ trẻ này. Lại một kỷ lục mới ư? Ông Thịnh nói, nếu giờ làm những chiếc giày to thì dễ rồi, vì cánh thợ của làng đã có trải nghiệm. Chỉ cần có tiền. Nhưng đây lại là một minh chứng khác, một kỷ lục thật kỳ ảo. Tôi thực sự sốt ruột vì háo hức, tò mò. Lát sau Hải mở tủ đưa cho chúng tôi xem những chiếc giày nhỏ xíu, trong đó có một chiếc giày trắng nhỏ chỉ đúng bằng đầu bút chì. Tôi giật mình. Bạn tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đúng là một chiếc giày nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa. Một ánh sắc của niềm vui tràn ngập lên gương mặt trẻ trung của Hải. Nhìn chiếc giày nhỏ, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện cổ tích về đôi hài của nàng công chúa với hoàng tử ngày nào. Đôi hài xinh đẹp kia ngỡ như chính Hải làm ra để tặng nàng vậy. Đó là đôi hài được làm từ bàn tay khéo léo của những người thợ giày làng Phú Yên, nơi có con sông Nhuệ êm đềm và dịu dàng. Vẳng lên tiếng hát với câu ca, Phú Yên một thời đã từng là "Thủ đô kháng chiến", bắt đầu từ Cầu Giẽ mà ai đi qua cũng muốn ghé thăm. Và càng vui sao khi nơi đây có một con phố làng giày đầy sức thu hút các bạn trẻ và nhộn nhịp ngày đêm.
Theo:giayda.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét